Có nên ly hôn tuổi xế chiều?: Sự chịu đựng sẽ được đền đáp

Cãi nhau là vậy, mà ba má tôi sống với nhau cũng gần 50 năm rồi. Trong khi tôi thấy thời bây giờ, nhiều cặp không hề cãi vã, vậy mà một ngày đẹp trời bất ngờ dắt nhau ra tòa, kết thúc hôn nhân.

Má tôi vừa nhập viện. Ba tôi bỏ hết công việc, vào viện lo cho má. Buổi tối, ông đuổi lũ con: “Bây về nhà ngủ đi, để ba ở lại, tối có gì còn đỡ má bây đi vệ sinh, không đứa nào làm được đâu”.

Có lẽ ai nhìn vào cũng nghĩ ba má tôi có một cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc. Thực ra không phải vậy. Khi tôi 6 tuổi, bắt đầu có trí khôn, là tôi đã chứng kiến ba má cãi nhau như cơm bữa. Mỗi lần như thế, chị em tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Hồi đó, trong trí óc non nớt của chúng tôi, nào đã biết ly hôn là gì.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi tôi lớn hơn một chút, ba má tôi vẫn không ngừng cãi nhau. Lúc này, chị em tôi khuyên má: “Thôi má ly dị cho rồi đi, sống vậy khổ quá, má bỏ ba đi, ở với tụi con, sau này già tụi con nuôi má”. Không phải chúng tôi không thương ba, nhưng dường như mọi đứa con đều vậy, đều thương má hơn.

Lần nào chúng tôi khuyên ly dị, má cũng gạt đi, nói: “Vậy chớ có ai bằng ba bây đâu, không rượu chè cờ bạc gái gú, chỉ có cãi nhau thôi. Mà cái này hông phải tại ba bây, tại tao với ba bây khắc tuổi, người tuổi Tỵ người tuổi Hợi, sao mà không cãi nhau cho được?”.

Không khuyên được má, chúng tôi cũng đành thôi. Ba tôi là người đàn ông mẫu mực, trừ một thứ mà tôi rất ghét, đó là tính gia trưởng. Và má bênh ba, má nói: “Muốn nói không, làm chồng mà nói; muốn nói ngoa, làm cha mà nói”.

Dù ba má tôi vừa cãi nhau một trận nảy lửa, nhưng sau đó có chuyện gì xảy đến với má là ba tôi lo quýnh quáng, có ai “động” đến má là ba bênh vực má. Má tôi cũng không khác gì, lúc cãi nhau thì lôi hết tật xấu của ba ra nói, vậy mà có ai “hùa” vô là má quay lại bào chữa cho ba ngay.

Mấy chị em tôi rồi ai cũng lấy vợ lấy chồng, ra riêng. Mỗi lần cãi nhau với vợ với chồng, hay đem chuyện ly hôn ra nói, là ba má tôi rất ghét. Má nói: “Ba má cãi nhau vậy mà vẫn sống được với nhau gần 50 năm rồi. Tụi bây hở tí là đòi ly dị. Đứa nào ly dị thì đừng vác mặt về nhà này nữa”.

Má tôi nói, lấy ba gần 50 năm, cãi nhau gần như mỗi ngày, vậy mà con cái đứa nào cũng ngon lành ngoan ngoãn, có đứa nào hư đâu. Chớ hồi đó mà ly dị, giờ không biết chị em bây ra sao. Còn ba tôi thì nói: “Có ai lo cho má bây đâu, giờ còn có mình ba. Đó bà coi, rồi đứa nào nó cũng lo cho vợ cho chồng nó chớ ai lo cho hai thân già này”.

Cãi nhau là vậy, mà ba má tôi sống với nhau cũng gần 50 năm rồi. Trong khi tôi thấy thời bây giờ, nhiều cặp không hề cãi vã, vậy mà một ngày đẹp trời đùng đùng dắt nhau ra tòa, kết thúc hôn nhân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mà ba má tôi ngộ lắm, vừa sáng cãi nhau, chiều lại ríu rít. Tối cãi nhau, sáng mai đã bình thường. Đâu phải khi già mới vậy, từ lúc trẻ đã thế rồi. Má nói, làm vợ phải chịu đựng.

Tôi thì thấy, cả ba và má nhiều lúc chịu đựng lẫn nhau. Nhưng mà cả hai ông bà đều tình nguyện. Má còn nói: “Vậy chớ má với ba bây mà bỏ nhau thì ai mà dám lấy, khó quá mà, ai chịu cho nổi, chỉ tao với ổng chịu đựng được nhau thôi”.

Ba tôi từng tuyên bố: “Không cần đứa con nào hết, chỉ cần ba với má bây sống với nhau như vậy đủ rồi”.

Tôi nghĩ, ai rồi cũng cần một người bên cạnh mình, để khi trái gió trở trời có người sớm hôm cận kề chăm sóc. Như ba má tôi, nếu ngày xưa ông bà “nư”, lại nghe lời con cái mà bỏ nhau, thì bây giờ má tôi bệnh nằm đó, chị em tôi có chăm cũng chẳng được như ba. Còn ba tôi, giờ ba bệnh, chị em tôi thương ba đến mấy cũng làm sao chăm ba tốt được như má.

Tính ra, cũng nhờ ba má tôi chịu đựng lẫn nhau suốt mấy chục năm trời, mà bây giờ, ít ra thì một trong hai người bệnh, còn có người kia chăm sóc. Vậy mới nói, chỉ khi tuổi già sầm sập kéo đến, khi con cái đã có cuộc sống riêng, nhiều người mới nhận ra rằng, sự chịu đựng ngày ấy rốt cuộc cũng đã được đền đáp, để tuổi già ngày nay không cô đơn.

An Nhiên