Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi có kinh nguyệt: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng

Nhắc đến Nepal là nhắc đến dãy núi Himalaya hùng vĩ với ngọn Everest phủ đầy tuyết trắng xóa. Không chỉ có vậy, Nepal còn là quốc gia giàu truyền thống văn hóa, người dân thân thiện và mến khách. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục. Với phụ nữ nước này, kinh nguyệt không khác gì một cơn ác mộng.

Chhaupadi – Hủ tục lạc hậu với phái nữ

Trong đạo Hindu và đặc biệt là đối với người dân Nepal nói chung, người phụ nữ đến ngày “đèn đỏ” sẽ bị coi là ô uế và bẩn thỉu, cần phải được cách ly khỏi môi trường sống xung quanh. Việc tiếp xúc với họ sẽ mang theo nhiều điềm gở, thậm chí, bất cứ thứ gì họ chạm vào cũng sẽ chịu số phận tương tự. Và theo truyền thống, những người phụ nữ tội nghiệp đó phải di chuyển ra khỏi căn nhà trong suốt thời gian đó, và chỉ được phép quay trở về sau khi đã “sạch sẽ”. Theo phương ngữ địa phương, tập tục này mang tên Chhaupadi, tạm dịch là “điềm báo của cây cối”.

Phụ nữ khi tới kỳ “thấy tháng” sẽ không thể sinh hoạt như bình thường và bị cấm đoán đủ thứ, từ việc vào bếp, đền thờ, tắm giặt, quan hệ tình dục hay chỉ đơn giản là chạm vào người khác. Ở những đô thị lớn, họ buộc phải ngủ tại chuồng thú hoặc sân phía sau nhà mà không hề có tấm lợp che chắn xung quanh. Còn ở những vùng nông thôn đồi núi, tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn. Những cô gái “liễu yếu đào tơ” ấy phải vượt rừng, tìm đến những túp lều rách rưới và tự chăm sóc bản thân mà không có bất cứ ai bên cạnh. Đến cả những người chồng “đầu ấp tay kề” cũng dửng dưng trước vợ khi cô ấy đến ngày “đèn đỏ”.

Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi tới ngày “đèn đỏ: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng - Ảnh 1.

Ở những vùng nông thôn Nepal, phụ nữ có kinh bắt buộc phải sống tạm bợ tại những túp lều nghèo nàn như thế này.

Một bài báo trên trang web Repulica từng chỉ ra rằng: “Người Nepal nghĩ, nếu một người phụ nữ đang hành kinh nhúng tay vào nước, nước giếng sẽ lập tức cạn. Nếu cô ấy chạm vào thân cây, cái cây đó không bao giờ có thể ra quả được nữa, mà sẽ chỉ héo úa và chết. Nếu cô ấy uống sữa vắt từ một con bò cái, nó sẽ lập tức không còn tiết sữa nữa. Nếu cô ấy đọc sách, nữ thần trí tuệ Saraswati sẽ nổi trận lôi đình. Và nếu cô ấy chạm vào cơ thể một người đàn ông, người đó liền bị suy kiệt và ốm liệt giường”.

Dù đây rõ ràng là hủ tục nhưng nhiều người phụ nữ lại chấp nhận thực hiện nó một cách tự nguyện, bởi họ cho rằng đó là cách khiến gia đình họ yên ấm. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người không muốn trình báo cảnh sát về vấn đề này, mà thường tự mình cam chịu và che dấu không để người ngoài biết được.

Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi tới ngày “đèn đỏ: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng - Ảnh 2.

Tỉnh Achham, Nepal đã ghi nhận 12 trường hợp bé gái tử vong do phải sống cô lập ngoài môi trường, tính từ năm 2007 đến nay

Rất nhiều cô gái trẻ đã thiệt mạng vì không thể chịu đựng nổi những cơn gió lạnh buốt vào mùa đông hoặc rơi vào tay những kẻ tấn công lạ mặt. Quyền tự do của họ cũng bị tước đoạt, trẻ em gái gần như không được đến trường. Phụ nữ gần như rơi vào tình trạng cô lập, không nơi nương tựa, không người thân thích bên cạnh. Họ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Gần nhất, cảnh sát đã phát hiện ra một bé gái mới 15 tuổi đã chết trong một lán trại nhỏ ở khu rừng hoang. Nguyên nhân là do em đã bị một con rắn độc cắn vào tay trong lúc đang say giấc ngủ. Vụ việc này cùng với sự việc trước đó, khi nạn nhân cũng chỉ ở độ tuổi tương tự đã chết ngạt khi cố gắng đun củi để sửa ấm. Những sự việc này đã làm dấy lên không ít nỗi bất bình từ phía cộng đồng và nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền trên thế giới.

Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi tới ngày “đèn đỏ: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng - Ảnh 3.

Phụ nữ gần như rơi vào tình trạng cô lập, không nơi nương tựa, không người thân thích bên cạnh. Họ luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Nepal đã đưa Chhaupadi vào danh sách những tội ác cần ngăn chặn

Chính phủ Nepal không hẳn làm ngơ trước những sự việc tiêu cực liên quan đến hủ tục này. Bằng chứng là vào năm 2005, luật pháp Nepal đã đưa Chhaupadi vào danh sách những tội ác vi phạm pháp luật cần bị cấm thi hành tại bất cứ đâu trong lãnh thổ quốc gia này. Tuy vậy, chính vì không có mức xử phạt cụ thể nên tình trạng vẫn đâu vào đó và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Các nhà hoạt động xã hội không vì thế mà từ bỏ, họ liên tục tổ chức những chiến dịch kêu gọi tẩy chay Chhaupadi, nâng cao nhận thức của người dân về kinh nguyệt cũng như loại bỏ ý nghĩ cho rằng kinh nguyệt là thứ dơ bẩn cần phải tránh xa. Cô Radha Paudel, một nhà hoạt động xã hội, đồng thời là người sáng lập nên tổ chức “Hành động vì Nepal”, lên tiếng: “Đây chẳng khác gì một kiểu phân biệt đối xử cả. Và xã hội này lại chấp nhận thứ truyền thống hủ bại ấy. Đây không còn là vấn đề về nhân phẩm nữa, mà nó đã trở thành sự vi phạm nhân quyền của phụ nữ”.

Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi tới ngày “đèn đỏ: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng - Ảnh 4.

Dù cho chính phủ Nepal đã chính thức cấm việc thực hiện Chhaupadi vào năm 2005 nhưng tình hình không có dấu hiệu thuyên giảm.

Với Paudel, giải pháp đơn giản nhất chính là tạo được không khí đối thoại toàn dân về vấn đề này: “Kinh nguyệt là phản ứng sinh lý vô cùng tự nhiên của con người. Và điều ta cần làm là cho người dân biết nhiều hơn về những lý giải mang tính khoa học liên quan đến kinh nguyệt ở phụ nữ”.

Điều mà họ làm đầu tiên chính là thuyết phục những thầy cúng ở các làng xóm để họ thay đổi quan điểm về kinh nguyệt. Rất nhiều người, sau khi đã được cung cấp nhiều bằng chứng khoa học, đã chấp nhận từ bỏ và không còn muốn cổ súy hủ tục này nữa. Tuy nhiên, với Paudel, việc chấm dứt Chhaupadi chưa phải là đích đến cuối cùng mà cô hướng tới.

“Lý do cốt lõi nhất đằng sau Chhaupadi chính là sự phân biệt đối xử. Việc ngăn cấm phụ nữ được hành kinh tại nhà đã trở thành một vấn đề về nhân quyền. Chừng nào việc phân biệt giới tính vẫn còn tiếp diễn, thì sự cô lập hẵng còn đó”.

Cơn ác mộng của phụ nữ Nepal khi tới ngày “đèn đỏ: Phải rời khỏi nhà, ngủ ở những túp lều rách rưới, dễ bị kẻ xấu và thú dữ đoạt mạng - Ảnh 5.

Khi kinh nguyệt “sạch sẽ”, phụ nữ Nepal phải ra suối tắm cho tinh khiết mới được cho phép về nhà.

Nhờ sức lan tỏa của các hoạt động do tổ chức của Paudel dẫn dắt, cùng với các tổ chức nhân quyền khác trong và ngoài nước, Chính phủ Nepal đã chính thức thông qua một đạo luật mới liên quan đến Chhaupadi. Theo đó, phụ nữ đang trong thời kì hành kinh hay mới sinh nở đều được bãi miễn trách nhiệm phải thực thi nghi thức Chhaupadi.

Để tránh khỏi sai lầm như năm 2005, một mức phạt mới cũng được ấn định. Theo đó, bất cứ ai có ý định ép buộc phụ nữ thực thi nghi thức Chhaupadi sẽ phải nhận án tù có thời hạn lên đến 3 tháng cùng với mức phạt là 3.000 rupee (tương đương 670.000 đồng). Bộ luật mới này đã chính thức có hiệu lực vào tháng 08/2017.

Nguồn: Kenh14.vn

Để lại một bình luận