Mẹ hai con giúp cả gia đình vượt qua dịch sốt chỉ bằng gừng, sả, tía tô

Bà mẹ ở Hải Phòng quyết định không đưa cả nhà vào viện mà nấu nước xông, tắm bằng gừng, sả và uống nước tía tô, lá diếp cá.

 me-hai-con-giup-ca-gia-dinh-vuot-qua-dich-sot-chi-bang-gung-sa-tia-to

Chị Yến cho hay, với tình trạng kê thuốc khám bệnh như hiện nay thì mẹ phải là bác sĩ đầu tiên của con.

Hai tuần sau khi “cơn bão” sốt virus “càn quét” gia đình, chị Ngọc Yến ở Hải Phòng mới có thời gian chia sẻ lại cách “sống chung với lũ” cùng các bà mẹ bỉm sữa. Dịch sốt virus khiến ba người lớn, hai trẻ con nhà chị Yến mệt mỏi và sốt mê man. Bà mẹ trẻ hy vọng những kiến thức, kinh nghiệm cùng sự bình tĩnh của mình sẽ giúp ích những gia đình có con nhỏ phòng tránh và đương đầu với bệnh.

Chồng chị Yến có biểu hiện sốt virus từ hôm 15/7. Hai hôm sau, các thành viên còn lại trong gia đình chị đều đổ bệnh. Bà nội nằm không dậy được, bạn Nghé, 34 tháng tuổi, sốt và khóc cả buổi chiều ở lớp, còn bạn Mỡ mới ba tháng tuổi cả đêm không ngủ được vì khó chịu. Dù rất mệt nhưng chị Yến đành gượng dậy để lo cho hai con nhỏ.

“Tôi không nghĩ chồng bị sốt xuất huyết mà xác định chỉ sốt virus vì để ý thấy ông xã sốt hai hôm nhưng không nổi nốt. Sốt virus thường sốt cao, đặc biệt vào buổi chiều, và từng cơn. Tôi quyết định cả nhà không đi khám mà ở nhà tự điều trị với nhau”, chị Yến kể.

Hàng ngày, Nghé và Mỡ được mặc đồ thoáng, bú mẹ tối đa và tiếp da với bố mẹ. Ngoài sữa mẹ hút ra bình, Nghé còn được bổ sung nhiều loại hoa quả. Cả Nghé và Mỡ được mẹ xịt rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Chị Yến còn ăn nhiều thực phẩm có tính kháng sinh tự nhiên như tỏi, xả, tía tô để tăng cường đề kháng cho con qua sữa mẹ. Nghé cũng uống nước tía tô cùng mẹ.

Hai bạn nhỏ được mẹ tắm rửa và vệ sinh hàng ngày, dù đang sốt. Chị Yến cho biết, nếu không tắm, mồ hôi túa ra làm lỗ chân lông bí, không thoát được càng khiến bệnh lâu khỏi. Hàng ngày, chị giã hoặc xay nhỏ gừng, sả rồi cho vào nồi đun sôi lấy nước để xông. Sau khi xông một lúc, chị cho hai bé tắm bằng nước này. Khi tắm, chị ngâm toàn bộ người con trong nước, đặc biệt là phần bàn chân và ngực.

Nhờ bài thuốc dân gian, bé Mỡ vượt qua đợt virus này nhanh nhất. Con quấy mẹ hai hôm nhưng không bị sốt và ho. Anh Nghé nặng hơn nhưng vẫn chơi vui vẻ nên mẹ chỉ cho uống thêm nước lọc. Theo chị Yến, khi nào thấy con có biểu hiện lừ đừ, khóc, quấy, khó ngủ, nói sao cũng không nghe là lúc bé đang khó chịu và phải uống hạ sốt.

“Cơ thể con cần sốt để chiến đấu với virus, giúp nhanh đào thải nó ra. Chỉ khi nào con khó chịu, mẹ mới nên cho uống hạ sốt. Không loại thuốc nào là có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi cả”, bà mẹ hai con nói.

Kèm theo sốt thường là ho và sổ mũi nên anh Nghé được mẹ cho uống nước lá diếp cá xay nhỏ, đun sôi, lọc bã, rồi pha thêm mật ong, vừa dễ uống, vừa tăng tính kháng khuẩn. Vài lần uống nước diếp cá, Nghé đỡ ho, mũi. Sau vài hôm điều trị kiên trì và tích cực, hai em bé hồi phục nhanh nhất nhà, trong khi bố và bà nội vẫn còn mệt dù đã hết sốt cả tuần nay.

Ngày còn nhỏ, chị Yến hay bị ốm, sức đề kháng kém nên thường phải uống thuốc. Muốn con khỏe mạnh và tự chống chọi được bệnh tật, chị tìm hiểu nhiều kiến thức y khoa, dấu hiệu nhận biết các bệnh và bình tĩnh xử lý khi con ốm. Năm ngoái hai bé nhà chị cũng bị sốt virus và chân tay miệng nhưng cũng không phải dùng thuốc.

Chị Yến chia sẻ, nhiều mẹ chưa có kinh nghiệm, thấy con vừa ốm đã đưa đi khám ngay. Nhiều trường hợp bé bị lây chéo sau khi đi khám hoặc bị kê thuốc uống phòng, dù chưa bội nhiễm.

“Các bài thuốc dân gian rất hay nhưng không thuốc nào mà chỉ uống một, hai lần là khỏi. Mẹ cần kiên trì và không nên chỉ dùng một bài. Nhiều khi con ốm, tôi xoay cho uống luân phiên tất cả các bài thuốc mình biết. Với tình trạng kê thuốc khám bệnh như hiện nay thì mẹ phải là bác sĩ đầu tiên của con”, chị Yến tâm sự.

me-hai-con-giup-ca-gia-dinh-vuot-qua-dich-sot-chi-bang-gung-sa-tia-to-1

Hai bé, Nghé và Mỡ, vượt qua các trận ốm nhờ các bài thuốc dân gian của mẹ.

Hà Phương

Để lại một bình luận