Chàng trai 22 tuổi bị bỏng lửa, nếu không có da ghép sẽ ảnh hưởng tính mạng nên người bố tình nguyện hiến da cứu con.
Lê Văn Tiến gặp nạn khi lò thép nổ lúc đang làm việc trong nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tình trạng bỏng quá nặng nên chàng trai được chuyển đến TP HCM ngày 14/1.
Tiến sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết bệnh nhân bỏng lửa 46% độ 2, 33% độ 3 toàn thân. Vị trí bỏng sâu ở những vùng cơ thể có thể lấy da dễ dàng như tay, chân nên chàng trai không còn da để ghép.
“Nếu không có da người khác hiến thì bác sĩ cũng không cứu được bệnh nhân”, bác sĩ Hiệp chia sẻ. Nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của con, ông bố Lê Văn Viêm sẵn lòng hiến da cứu con trai. Ông Viêm có 4 người con, Tiến là con trai út, đi bộ đội về làm việc ở nhà máy thép chưa lâu thì xảy ra tai nạn.
“Ban đầu tôi sợ nhưng không còn cách nào khác, bởi nếu cha không cứu con thì không ai cứu được nó”, ông Viêm nói.
Ông Viêm chăm sóc con trai tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Lê Phương. |
Trên hai chiếc giường gần nhau trong phòng mổ để cha được lấy da và con được ghép da ngay, trước khi gây mê, ông bố gửi gắm các bác sĩ cố gắng cứu con mình. Cuối cùng các bác sĩ đã lấy da vùng hai đùi của ông Viêm để ghép sang những nơi bỏng nặng của Tiến. Sau ca ghép da, Tiến hồi phục tốt. Vùng da của ông Viêm cũng lành dần.
Bác sĩ Hiệp cho biết mỗi năm bệnh viện có khoảng 5-10 bệnh nhân bị bỏng ở những vùng không thể lấy da tự thân nên phải dùng da của người khác để ghép. Đa số người được chọn cho da là bố, anh em trai vì “đàn ông cần phải hy sinh nhiều hơn”. Mới đây một ông bố khi lên bàn mổ để lấy da cho con gái đã nắm tay các bác sĩ dặn dò: “Bác sĩ cứ lấy da tôi thoải mái, để cứu con gái tôi không tiếc gì cả”. Câu nói của ông bố khiến các y bác sĩ rất cảm động.
Với người hiến da, nếu cơ địa sẹo lồi sẽ có nguy cơ để lại sẹo. Người không có cơ địa sẹo thì vết thương lành khá tốt. Hai ca mổ được tiến hành song song, lấy da của người cho xong thì ghép vào người nhận. “Bác sĩ cố gắng để lấy da thật mỏng, vì lấy da càng mỏng thì nguy cơ sẹo lồi càng ít”, bác sĩ Hiệp nói.
Ở nước ngoài, bệnh nhân bỏng có thể sử dụng nguồn da ghép từ người chết hiến tặng. Tại Việt Nam những năm qua đã có nhiều người hiến tạng song chưa có ai đồng ý hiến da.