Bà Bành Lệ Viện gây ấn tượng trước công chúng nhờ những bộ cánh sang trọng và hiện đại, phá vỡ hoàn toàn khuôn mẫu nhẹ nhàng, cổ điển của các đệ nhất phu nhân Trung Quốc trước đây.

Mặc gì khi xuất hiện trước công chúng vốn là câu chuyện đau đầu đối với các ngôi sao, những người nổi tiếng. Với các chính trị gia, đặc biệt là các đệ nhất phu nhân – những người sẽ sánh đôi với người đứng đầu một quốc gia trong các sự kiện quan trọng của thế giới – tính chất phức tạp còn cao gấp nhiều lần.

Bởi trang phục khi đó không đơn thuần là chuyện đẹp hay xấu mà còn là thể diện của một quốc gia, một nền văn hóa. Thế giới đã có rất nhiều biểu tượng thời trang bước ra từ chính trường như Jackie Kennedy hay gần hơn là Michelle Obama, Kate Middleton.

Và ở châu Á, cũng có một cái tên được đánh giá cao là Bành Lệ Viện – đệ nhất phu nhân Trung Quốc, phu nhân của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phong cach thoi trang tinh te cua de nhat phu nhan TQ Banh Le Vien hinh anh 1
Bà Bành Lệ Viện luôn là tâm điểm thu hút truyền thông mỗi khi xuất hiện thanh lịch và tự tin bên cạnh chồng. Ảnh: Getty.

Một trang báo phương Tây từng gọi tủ đồ của bà Bành là “cầu vồng”, không phải bởi sự màu mè lòe loẹt mà là bởi sự đa dạng, biến hóa. Ở đó có những chiếc áo khoác uy quyền nhưng cũng có có những chiếc váy hoa đầy nữ tính. Dù là gì, tất cả các trang phục đó đều toát lên vẻ sang trọng, thanh lịch.

Phong cách thời trang của Bành Lệ Viện được khẳng định là hiện đại và mạnh mẽ, phá vỡ hoàn toàn khuôn mẫu nhẹ nhàng, cổ điển của các đệ nhất phu nhân Trung Quốc trong quá khứ. Chính điều đó đã giúp bà gây ấn tượng và không bị lép vế khi sánh bước cùng đệ nhất phu nhân của các quốc gia khác trên trường quốc tế.

Bà Bành từng lọt top danh sách những người mặc đẹp của tạp chí văn hóa, thời trang nổi tiếng của Mỹ Vanity Fair và danh sách 100 Người phụ nữ phi thường của Porter vì đã giúp trang phục Trung Quốc thu hút sự chú ý trên thế giới.

Vị thế trong thời trang của bà Bành có được là nhờ vào sự nhạy cảm của một người làm nghệ thuật cũng như khả năng đặt niềm tin đúng chỗ. Trước khi được biết đến với vai trò là đệ nhất phu nhân của quốc gia đông dân nhất thế giới, bà Bành từng là ca sĩ dòng nhạc dân gian nổi tiếng.

Với phần lớn các đệ nhất phu nhân, việc chọn trang phục là cách họ bày tỏ sự ủng hộ với ngành công nghiệp thời trang và các nhà thiết kế trong nước. Đó là trường hợp của Jackie Kennedy.

Phong cach thoi trang tinh te cua de nhat phu nhan TQ Banh Le Vien hinh anh 2
Đệ nhất phu nhân 56 tuổi của Trung Quốc nổi bật bên cạnh Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump vốn xuất thân là người mẫu. Ảnh: SCMP.

Samantha Cameron – vợ cựu Thủ tướng Anh David Cameron – sử dụng các sản phẩm sáng tạo của nhà thiết kế người Anh Roksanda Illincic. Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đưa những thương hiệu Mỹ như J.Crew và Jason Wu đi khắp thế giới.

Trong khi đó, bà Bành lại trao niềm tin của mình cho Ma Ke – một nhà thiết kế tài năng, lập dị nhưng được đánh giá là rất trân trọng các giá trị địa phương. Gây dựng 2 thương hiệu thời trang thành công là Wuyong và Exception de Mixmind nhưng Ma Ke chưa bao giờ nhận mình là nhà thiết kế.

Nói về những trang phục mạnh mẽ đã làm cho Bành Lệ Viện, Ma Ke nhận xét: “Đó là phong cách hợp với bà Bành. Bởi bà ấy từng là một người lính. Ở bà có sự quyết đoán, bền bỉ và dẻo dai”.

Bà Bành và Ma Ke quen nhau từ năm 2002. Qua các thiết kế cũng như lựa chọn phong cách cho bà Bành, Ma Ke muốn thể hiện sự tự tin của những người phụ nữ Trung Quốc hiện đại.

Phong cach thoi trang tinh te cua de nhat phu nhan TQ Banh Le Vien hinh anh 3
Bà Bành Lệ Viện bên cạnh chồng và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Ảnh:SCMP.

“Đôi khi trang phục trở nên lấn át người mặc khi nó quá lộ da thịt hoặc bắt mắt và điều đó đi ngược với thẩm mỹ truyền thống của người Trung Quốc. Phụ nữ không cần dùng quần áo làm vũ khí khi họ tự tin với cá tính và văn hóa của mình. Triết lý của tôi với các thiết kế cho bà Bành là thanh lịch, tinh tế và sang trọng”, Ma Ke cho biết.

Triết lý  làm thời trang của Ma Ke xuất phát từ sự tôn trọng sâu sắc với thiết kế truyền thống của Trung Quốc và là cách cô giúp người phụ nữ 56 tuổi của quốc gia thể hiện quyền lực mềm.

“Trang phục thủ công được làm với tình yêu và sự nâng niu sẽ tồn tại mãi. Nếu chúng ta không nắm lấy cơ hội và thời gian, chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều di sản văn hóa”, Ma phát biểu.

Nguồn: New.zing.vn